Những khó khăn trong nghề nhân viên ngân hàng
Ví dụ, theo quy định, khi tất toán sổ tiết kiệm, khách phải đến tận nơi để ký sổ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách linh động với những khách hàng quen, có số tiền gửi nhiều.
Ngành ngân hàng được coi là hot một thời giờ đây trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi lương 8 triệu nhưng giờ làm thì hơn thế
Cái mác của một nghề thuộc dạng “hot” nhất, sang nhất, vừa có vẻ nhẹ nhàng, suốt ngày ngồi văn phòng máy lạnh, vừa thu nhập “khủng” khiến không ít người cố sức thi vào ngành ngân hàng, cố chen chân có một chỗ trong phòng giao dịch, một chi nhánh ngân hàng nào đó. Nhưng rồi, cũng nhiều người trong số đó vỡ mộng, thậm chí ngao ngán với nghề.
Nguyễn Vân An, nhân viên giao dịch của một ngân hàng cổ phần thở dài: “Người ngoài nhìn vào hay nghĩ nhân viên ngân hàng lương cao lắm, thực tế thì không hề. Tất nhiên là lương của chúng tôi không hề thấp so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng nếu so với công sức và đặc biệt là rủi ro, áp lực phải hứng chịu, thì với số tiền ấy, không dễ để sống thoải mái. Như phòng tôi, hầu như mọi người đều có 2 bằng đại học, có người có bằng thạc sĩ, nhưng tiền lương, tính cả phần ăn trưa cũng chỉ từ 5 triệu đến 7 triệu là cùng”.
Cô kể, các nhân viên tín dụng thì thu nhập bấp bênh hơn, vì thu nhập phụ thuộc mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, trong khi đó, các doanh nghiệp hoặc cá nhân hết sức dè dặt khi đi vay tiền. Bởi thế, những khoản thưởng hậu hĩnh khi làm vượt định mức, tiền “bồi dưỡng” của doanh nghiệp muốn vay vốn dành cho nhân viên tín dụng cũng chẳng còn.
Phạm Hồng Nhung, từng làm nhân viên giao dịch ngân hàng hơn 1 năm chia sẻ: “Thời điểm đó, áp lực công việc thực sự khủng khiếp. Ngày nào cũng thế, mình phải có mặt ở cơ quan lúc 7 giờ 10’ sáng và về nhà lúc 7 – 8 giờ tối. 8 giờ sáng bắt đầu giao dịch, nhưng mình phải đi sớm để lo công việc nhận quỹ. Mình lại làm ở phòng giao dịch nên phải đến chi nhánh nhận quỹ rồi chuyển về, vất vả hơn các bạn làm ở chi nhánh chính. Khi hết giờ giao dịch thì lại đến việc giấy tờ, sổ sách, tính ra ngót nghét 12 tiếng làm việc/ngày. Ngoài 5,5 ngày làm việc cố định trong tuần, các buổi chiều thứ 7, thậm chí chủ nhật, mình lại tham gia họp, học nâng cao nghiệp vụ, học quy chế… Thú thực, quá sức mệt mỏi, sức khỏe suy sụp, nhan sắc tàn phai, chưa kể đến chuyện không thể chăm sóc gia đình. Em bé của mình khi đó mới hơn 1 tuổi, chưa đi trẻ được nên mình phải thuê giúp việc. Mẹ đi làm 1 năm thì con bám hơi giúp việc hơn là bám mẹ”.
Như xác nhận lời chị Nhung, anh Nguyễn Công Huân, một nhân viên tín dụng ở một ngân hàng cổ phần cho hay: “Tôi làm nghề này được gần 5 năm, lúc đầu cực kỳ hăng say, vì vừa giúp được người cần vốn có thể vay được tiền, vừa có “hoa hồng”, thưởng của cơ quan thì khỏi nghĩ, nhưng sự tàn phá của công việc với sức khỏe của tôi đã khiến tôi suy nghĩ đến chuyện chuyển nghề. Thời gian làm việc khá thoải mái, đi lại tự do, hầu như lúc nào cũng la cà quán xá, lúc thì hẹn khách café, ăn uống, nhậu nhẹt, khi thì phải mang hồ sơ, giấy tờ qua tận nhà cho họ, rồi đi xác minh, thẩm định tài sản thế chấp. Lúc đã ký hợp đồng thành công rồi thì phải theo dõi việc trả nợ và trả lãi hàng tháng của khách hàng, đôn đốc, thúc giục họ nếu chậm, nói chung là công việc bù đầu. Tiền cũng có, nhưng tôi chẳng còn thời gian mà tiêu tiền chứ nói gì đến tìm vợ, tìm người yêu, mà tôi hơn 30 rồi đấy. Hôm trước đi khám tổng quát, tôi giật mình thấy mình đang mắc phải một loạt nguy cơ bệnh tật, có lẽ do không điều độ trong sinh hoạt”.Hồng Nhung tiết lộ, không chỉ nhân viên giao dịch, các vị trí khác trong ngân hàng cũng hết sức bận rộn. Nhân viên kho quỹ hằng ngày tiếp quỹ, phân quỹ, chuyển quỹ nên càng phải đi sớm về muộn hơn nữa. Bộ phận hỗ trợ khách hàng cũng không sung sướng gì, chuyện làm tới 8 giờ tối là đương nhiên, có khi ngày nghỉ, họ vẫn phải lên cơ quan làm việc. Theo cô, nặng đầu nhất là nhân viên tín dụng. Họ giống như đội ngũ nhân viên kinh doanh của các công ty, nhưng có lẽ áp lực hơn, vì mỗi xê dịch của thị trường tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến họ, rồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, mời khách hàng vay vốn, kiểm soát và lường trước rủi ro trong cho vay, xử lý các món nợ cũ khó đòi…
Hết lo bị sa thải đến ngại vướng vòng lao lý
Cái thời vàng son lương thưởng vài chục triệu đồng, được doanh nghiệp “chăm sóc” đã lã dĩ vãng của ngành ngân hàng. Giờ, nhiều nhân viên bằng lòng với đồng lương ít ỏi, bị điều chuyển vị trí và luôn phập phồng trong nỗi lo sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào. Hơn chục năm gắn bó với nghề, trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng cổ phần tiết lộ: “Công việc đầy áp lực, lương cũng vừa phải nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ nghề hoặc có phương án dự phòng cho cuộc đời mình. Chuyện sa thải nhân viên “thừa” phổ biến đến nỗi, nó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Những người muốn bám trụ thì làm việc như con thoi, cố không xảy ra sai sót. Có chị em còn cố gắng để… có thai trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực, để được ưu tiên thoát khỏi sự đào thải”.
Người này cũng cho biết thêm, thời điểm “nóng” của tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng ồ ạt tuyển nhân viên mới, chủ yếu để phục vụ mục tiêu tăng huy động tiền gửi. Các nhân viên này hầu hết chỉ được ký hợp đồng thời vụ, thử việc 6 tháng, giao khoán chỉ tiêu huy động. Nếu không đạt yêu cầu hoặc chưa thật sự xuất sắc, các nhân viên mới sẽ bị đào thải ngay sau thời gian đó, còn ngân hàng, nếu cần, lại tuyển một lứa mới. Như thế, ngân hàng vừa phải chi trả ít lương mà lại “thay máu nhân sự” liên tục.
Một rủi ro khác của người làm trong ngành ngân hàng là khả năng dính dáng đến pháp luật rất cao. Không bàn đến những trường hợp biến chất, chủ động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngay cả khi làm việc nghiêm túc, những người chuyên tiếp xúc với tiền hằng ngày cũng có thể đi tù như chơi. Như công việc của nhân viên tín dụng chẳng hạn, nếu khâu xác minh, thẩm định tài sản đảm bảo của khách không chuẩn, vớ phải khách hàng mất khả năng trả nợ hoặc khó đòi nợ, chính các nhân viên tín dụng phải chịu trách nhiệm.
Trần Thị Hằng, một nhân viên tín dụng chia sẻ, năm ngoái, cô suýt “dính đòn” với một khách hàng. “Được giao chỉ tiêu giải ngân 2 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân vay, trong khi chỉ còn 3 tháng là đến Tết, tôi lo lắng, tìm mọi cách để tìm khách, thuyết phục họ vay tiền, đi ngủ cũng không yên tâm. Gần đến tháng Chạp âm lịch, tôi mới chỉ chạy được hơn 50% mục tiêu. Cuối cùng, tôi tìm được một khách muốn vay 400 triệu để xây nhà. Mừng quá, tôi đến thẩm định tài sản thì thấy người này hoàn toàn có khả năng chi trả nên đã làm hợp đồng cho vay. 3 tháng đầu, khách trả lãi rất đúng hẹn, nhưng sang tháng thứ tư, người này bắt đầu… chầy bửa, tháng nào tôi cũng phải thúc, vừa ngọt nhạt vừa… dọa. Gần đến hạn chót đáo nợ, khách tắt điện thoại, đến nhà tìm thì người nhà bảo đi vắng, đến cơ quan thì biết anh ta mới nghỉ việc 1 tuần. Tôi toát hết mồ hôi hột. Cuối cùng, tôi phải nhờ đến đội thám tử để dò ra tung tích khách và … nài nỉ khách trả nợ”.
Không chỉ cho nợ chữ ký, đôi khi khách VIP còn được nợ cả hàng tỉ đồng. Đó là trường hợp khách mở sổ tiết kiệm “miệng”, tức là gọi điện thông báo mình sẽ gửi bao nhiêu tiền rồi yêu cầu nhân viên đến nhà họ lấy tiền. Khi đến, nhân viên giao dịch phải đem theo sổ tiết kiệm đã đầy đủ dấu, chữ ký của các bộ phận ngân hàng giao cho khách, tức là đã tạo một sổ tiết kiệm khống trên hệ thống trong khi tiền thực chưa vào ngân hàng. Nếu khách bỗng dưng nổi hứng không gửi tiền nữa hoặc thay đổi số tiền, giao dịch viên sẽ phải tìm cách giải quyết sổ tiết kiệm khống kia.Với các giao dịch viên làm việc ở văn phòng, rủi ro bị đền tiền, bị kiện tụng cũng không phải không có. Chỉ cần nhầm một bút toán, họ có thể phải đền hàng chục triệu. Cũng có khi, để chiều khách hàng VIP, giao dịch viên ngân hàng phải làm trái quy trình, đứng trước rủi ro đáng giá tiền tỉ. Ví dụ, theo quy định, khi tất toán sổ tiết kiệm, khách phải đến tận nơi để ký sổ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách linh động với những khách hàng quen, có số tiền gửi nhiều. Đến hạn tất toán, họ bận đi công tác, đi nghỉ, không thể có mặt để ký giấy tờ nhưng lại không muốn thiệt một ngày lãi nào, các giao dịch viên có thể làm thay việc tất toán, đổi sổ mới cho họ mà chưa cần chữ ký. Nếu chẳng may gặp khách hàng không trung thực, họ có thể tìm cách lấy hết số tiền trong sổ tiết kiệm rồi… đổ tội cho ngân hàng làm mất tiền của mình.
Leave a Reply